Ký ức của tôi tái hiện về hình ảnh thời tuổi trẻ trong gian khó tìm đường cứu nước của Bác Hồ qua diễn xuất của NSƯT Tiến Hợi. Hai hàng nước mắt của tôi cứ tuôn rơi khi nhớ lại cuộc điện thoại báo tin từ vợ NSƯT Tiến Hợi, rằng chú đã mãi xa.
Trên 34 năm đóng vai Bác Hồ
Tôi sẽ không còn được nhìn thấy một NSƯT Tiến Hợi đẹp trai trong bộ quân phục của ngày đầu tuyển diễn viên mà tôi có mặt trong đợt tuyển đó. Cuộc đời tôi được làm đồng chí, đồng đội với chú trong những tháng năm phục vụ quân đội tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu là một vinh hạnh lớn. Rồi sau này, tôi được làm đồng nghiệp của NSƯT Tiến Hợi tại Nhà hát Kịch Hà Nội, được chú xem như người cháu trong gia đình thân yêu của mình.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, NSƯT Tiến Hợi đã có trên 34 năm đóng vai Bác Hồ, mà lần thể hiện nào cũng đều được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc. Không chỉ trên sân khấu, chú còn xuất hiện rất tinh tế, tạc vào tâm trí người xem ấn tượng sâu đậm về nhân vật Bác Hồ trên màn ảnh.
Tôi học ở NSƯT Tiến Hợi sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Tôi càng quý chú hơn với cường độ làm việc dày đặc qua hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh, tham gia phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Người trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm.
NSƯT Tiến Hợi đã khắc họa sâu đậm hình tượng Bác Hồ, được công chúng yêu mến. Bản thân chú cũng đã nhận được nhiều tình cảm, được sống hạnh phúc trong vòng tay khán giả mỗi khi hóa thân thành công nhân vật Bác Hồ kính yêu của dân tộc.
Bài học quý cho nghề
NSƯT Tiến Hợi từng nhiều lần tâm sự với tôi về quá trình gắn bó với nghề và tìm cách sáng tạo, để mỗi lần chú xuất hiện với nhân vật lãnh tụ đều không lập lại và khán giả khi xem cảm nhận Bác Hồ rất gần gũi, chân thật.
NSƯT Tiến Hợi kể lần đầu được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987. Khi đó, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đang tuyển chọn diễn viên đóng vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng" của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn - Quân khu 2. Vì đây là kịch bản của tác giả Lưu Quang Hà và đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang nên đơn vị nghệ thuật của quân khu rất thận trọng trong việc chọn lựa diễn viên.
Lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn đã có ý định mời một số nghệ sĩ lớn tuổi ở các đơn vị nghệ thuật khác hỗ trợ nhưng tính tới, nghĩ lui thì chọn diễn viên của đoàn vì thuận lợi hơn. Bởi lẽ, địa hình lưu diễn của đoàn chuyên diễn phục vụ chiến sĩ ở vùng núi phía Bắc, nếu mời nghệ sĩ đoàn khác sẽ không thuận lợi trong việc di chuyển.
Cuối cùng, NSƯT Tiến Hợi - năm đó mới 28 tuổi - đã được chọn. Chú vui mừng và hạnh phúc đến mất ngủ, cứ trằn trọc, suy tư, tìm cách diễn sao cho thuyết phục. Nhờ sự phấn đấu không ngừng đó mà chú đã chạm đến cảm xúc của khán giả sau lần xuất hiện đầu tiên trong vở "Đêm trắng".
Rồi sau đó, cứ như cá gặp nước, NSƯT Tiến Hợi trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, gắn chặt với phong cách, cốt cách của nhân vật Bác Hồ hơn qua từng câu chuyện từ sân khấu cho đến điện ảnh. Chú vẫn thường tâm sự với tôi bản thân cũng học tập từ tấm gương của Bác Hồ để hoàn thiện hơn trong nghề nghiệp, giữ vững tác phong của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
NSƯT Tiến Hợi càng nghiêm khắc hơn với chính mình. Chú nhã nhặn học hỏi và lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, khán giả về vai diễn mới trong nhiều tác phẩm sân khấu về gia đình, trong nhiều bộ phim phản ánh cuộc sống mới với những nhân vật góp phần làm rạng danh đất nước. NSƯT Tiến Hợi là tấm gương sáng để tôi và nhiều đồng nghiệp noi theo. Chú luôn bảo ban, chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em, để thành tích đạt được là niềm tự hào của cả tập thể.
Xin chia buồn với cô Vương Đạm Thủy - người bạn đời đã đồng hành cùng NSƯT Tiến Hợi trong muôn vàn vui buồn, gian khó của nghệ thuật. Xin thắp nén hương tiễn biệt NSƯT Tiến Hợi. Chú sẽ mãi sống trong lòng công chúng khi nhớ về những cảm xúc dạt dào, thiêng liêng đối với hình tượng nhân vật Bác Hồ mà chú đã khắc họa.