Sau một tuần hôn mê, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã qua đời lúc 19 giờ 50 phút ngày 7-1.
Thông tin được con trai ông thông báo chính thức trên trang Facebook cá nhân của nhạc sĩ. Nhiều đồng nghiệp bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của nhạc sĩ tài hoa này.
Gia đình nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho biết ông hôn mê sâu từ sau Tết Dương lịch, phải nhờ máy hỗ trợ để duy trì sự sống. Hơn một năm nay, sau cơn tai biến mạch máu não, sức khoẻ ông giảm sút trầm trọng. Tháng 4 năm ngoái, ông phát hiện thêm bệnh ung thư phổi.
Giới nghệ thuật Việt Nam biết đến Nguyễn Trọng Tạo như là một người đa tài, đa tình. Nổi tiếng trong thi ca nhưng ông là nhạc sĩ và cũng là họa sĩ. Trong âm nhạc, ông có nhiều bài hát hay, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
"Làng quan họ quê tôi" (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) của Nguyễn Trọng Tạo đã quá nổi tiếng. Ca khúc này từng được hãng JVC Nhật Bản chọn vào đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức. Bài "Khúc hát sông quê" (phổ thơ Lê Huy Mậu) của ông cũng được công chúng đặc biệt yêu thích, nhiều thế hệ thuộc nằm lòng. Chính những bài hát này khiến công chúng đôi khi nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo với vai trò một nhạc sĩ nhiều hơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác gần 100 ca khúc. Bên cạnh những bài nổi tiếng như "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", ông còn có nhiều ca khúc được khán giả mến mộ không kém: "Đôi mắt đò ngang", "Tình ca bên một dòng sông", "Non nước Cao Bằng", "Mẹ tôi", "Đồng Lộc thông ru", "Tình ca hạt giống vàng", "Trống hội cổng làng", "Tình Thu", "Tình Đông", "Tình Xuân", "Tình Hạ", "Con dế buồn", "Mưa", "Nghe biển ru đêm", "Tình ca hoa cúc biển"… Có một điều lạ là Nguyễn Trọng Tạo thường không tự phổ nhạc những bài thơ của mình. Phần lớn các bài hát của ông được sáng tác dựa trên thơ của người khác.
Nhiều bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo được các nhạc sĩ khác phổ nhạc cũng rất nổi tiếng. Trong đó, đặc biệt là các ca khúc "Một dại khờ một tôi" (nhạc sĩ Phú Quang), "Cỏ và mưa" (nhạc sĩ Giáng Son).
"Nhiều người cứ hay hỏi tôi rốt cuộc là nhà gì, nhà thơ hay nhà viết nhạc? Tôi chỉ thấy tôi là "nhà quê" mà thôi, thậm chí là... quê một cục. Tôi xuất thân từ nghề làm ruộng rồi chuyển sang làm thợ mộc. "Sợi dây" đầu tiên đưa tôi đến với âm nhạc chính là chiếc đàn violin mà tôi tự đóng rồi dùng nó để học, sau đó chơi nhạc trước toàn trường vào mỗi sáng chào cờ đầu tuần" - người nhiều "nhà" nói về mình.
Con người ta, khi đã đi qua một chặng đường dài sẽ muốn nghỉ ngơi nhưng Nguyễn Trọng Tạo dường như không thế. Những năm cuối đời trước khi bị trọng bệnh, ông vẫn đọc sách, viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh, viết lời tựa sách cho bạn bè. Nhạc sĩ bảo không phải ông làm nhiều để kiếm tiền mà là mắc bệnh cả nể, ai nhờ vả việc gì là lại gật đầu. Ông cũng từng tâm sự, lúc nào không làm thơ, ông viết nhạc. Lúc nào không viết nhạc, ông vẽ bìa sách… "Đấy cũng là cách tập thể dục cho trí não" - nhạc sĩ đa tài ví von.
Có lẽ nhờ làm việc trí não liên tục và kết nối với bạn bè nhiều hơn, bớt cô đơn hơn nên Nguyễn Trọng Tạo vẫn trẻ, khỏe. Tác giả "Làng quan họ quê tôi" cho hay đời ông chủ yếu là tự học, tự mày mò, sáng tạo nên ông không muốn là kẻ lỗi thời.
Nhạc sĩ - nhà thơ - hoạ sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Nghệ An. Ông từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003-2004.
Vài chục năm nay, nhạc sĩ sống một mình trong căn chung cư ở Linh Đàm, Hà Nội. Con gái lớn của ông đã lập gia đình, con trai thứ làm việc tại Huế, con gái út du học ở Ý. Những năm tháng cuối đời, ông ở cùng cháu. Con gái lớn nhạc sĩ thường xuyên đưa gia đình sang nhà thăm nom, nấu cơm và dùng bữa cùng ông.