Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Hiệu trưởng các trường nghệ thuật và Hội thảo quốc tế kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan với chủ đề "Văn hoá, Nghệ thuật và giáo dục trong bối cảnh hiện nay", chiều 26-4 tại Kazakhstan, NSƯT Bùi Công Duy chính thức được lãnh đạo Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan bổ nhiệm chức danh Giáo sư (GS) danh dự của trường.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đánh giá đây là sự ghi nhận và đánh giá rất cao của ban lãnh đạo trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan cũng như của giới âm nhạc các nước thuộc Liên Xô cũ dành cho NSƯT Bùi Công Duy bởi những cống hiến kiên trì, hiệu quả và những đóng góp to lớn của anh cho nghệ thuật nói chung, cho âm nhạc nói riêng và đặc biệt cho ngành biểu diễn đàn dây.
"Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam rất vinh dự khi có một đại diện, đó là NSƯT Bùi Công Duy được trao học hàm GS của Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan. Trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng, một người Việt Nam được vinh danh, phong hàm GS tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới không nhiều. Từ khi NSND Đặng Thái Sơn được phong GS tại các Nhạc viện nổi tiếng trên thế giới đến nay, có lẽ trường hợp của Bùi Công Duy cũng có thể coi là đặc biệt, trường hợp hiếm gặp" - PGS-TS Lê Anh Tuấn nhận định.
Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói thêm trường phái biểu diễn đàn dây, cụ thể là trường phái biểu diễn đàn violin của Liên Xô cũ, nước Nga ngày nay, đã đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn violin tài năng không chỉ cho nước Nga mà cho toàn thế giới, Bùi Công Duy rất may mắn được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao của nước Nga. Anh tỏa sáng và được bạn bè,đồng nghiệp trong giới biểu diễn violin biết đến và luôn dành cho anh sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Ngoài các chương trình biểu diễn của Bùi Công Duy mang tầm quốc tế, anh còn tham gia đào tạo tài năng trẻ ngành biểu diễn violin đã gặt hái được nhiều thành công.
Theo thông tin từ Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan, việc phong học hàm GS trong lĩnh vực Violin từ trước đến giờ chỉ dành cho một vài cá nhân là những nhà sư phạm, nghệ sĩ xuất chúng như huyền thoại Violin thế giới Victor Tretyakov - người đoạt huy chương vàng cuộc thi danh giá Tchaikovksy năm 1966, Eduard Grach người đoạt giải thưởng Tchaikovksy năm 1962, Edward Schmieder nhà sư phạm nổi tiếng người Mỹ….
Trong những năm gần đây, NSƯT Bùi Công Duy đã nhiều lần được Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan mời là thành viên Ban giám khảo tại các cuộc thi violon quốc tế, đồng thời giảng dạy Masterclass và biểu diễn độc tấu với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Kazakhstan.
Chia sẻ ngay sau lễ bổ nhiệm, NSƯT Bùi Công Duy cho hay trở thành GS của Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan với anh là mong muốn từ lâu.
"Các nhà sư phạm, huyền thoại violon thế giới mà tôi rất ngưỡng mộ đã được phong tặng tại đây và tôi thầm ước một ngày có thể được đứng ở vị trí này. Đối với tôi đây là một may mắn, một sự ghi nhận, động viên đặc ân lớn của Hội đồng khoa học Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan" - NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ.
Nói thêm về công việc sau khi trở thành GS của Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan, NSƯT Bùi Công Duy cho hay từ năm 2016 đến nay anh đã và đang tham gia giảng dạy trong hầu hết các lần công tác tại đây.
"Sắp tới nhà trường tiếp tục mời tôi sang tham gia công tác giảng dạy, biểu diễn. Dự kiến tôi sẽ tham gia với tư cách Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp quốc gia cho các bậc trung cấp, đại học, thạc sĩ sau đại học… Công việc trong thời gian tới sẽ gắn liền với công tác chuyên môn sâu, đây là một cơ hội rất tốt đối với tôi để được trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm làm việc với các học sinh, sinh viên quốc tế. Là cơ hội tốt để trao đổi kinh nghiệm biểu diễn, giảng dạy với các đồng nghiệp tại Kazakhstan cũng như quốc tế" - NSƯT Bùi Công Duy nói.
Thành thạo tiếng Anh và Nga nên NSƯT Bùi Công Duy không bị rào cản về ngôn ngữ với các học sinh, sinh viên quốc tế. "Có lẽ vì vậy mà tôi rất dễ dàng cho việc chuyển tải các nội dung giảng dạy. Theo tôi được thông báo thì các học sinh sinh viên rất hứng thú với phương pháp giảng dạy của tôi theo hướng phân tích, giải phóng và lắng nghe cơ thể của mình. Điều này giúp tạo ra sự thoải mái tối đa cho vận hành của cơ thể để hướng tới hiệu quả tốt nhất trong việc trình diễn" - NSƯT Bùi Công Duy nói thêm.