Nhiều người sử dụng mộc nhĩ đen để duy trì sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa huyết khối và giảm cholesterol trong cơ thể.
Mộc nhĩ đen sẽ rất dễ bị hư hỏng nếu bảo quản không tốt. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cho mọi người cách bảo quản mộc nhĩ đen đúng cách nhất trong bài viết dưới đây.
Dương Hiền Anh, chuyên gia nghiên cứu bảo quản thực phẩm giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, thành phần dinh dưỡng chính có trong 100 gram mộc nhĩ đen (hay nấm mèo) bao gồm:
• Lượng calo: 24 calo
• Chất đạm: 0,9 gram
• Chất xơ: 7,4 gram
• Kali: 56 mg
• Sắt: 0,8 mg
• Phức hợp vitamin nhóm B: 0,13 mg
Những miếng mộc nhĩ đen to, tươi và dày còn được gọi là “miếng thịt chay”. Chúng thậm chí còn giàu chất dinh dưỡng hơn cả thịt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
Mộc nhĩ đen rất giàu chất xơ, chủ yếu là chất xơ hòa tan trong nước, có thể giúp điều hòa nhu động ruột cải thiện táo bón, dễ đi đại tiện và duy trì sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, chất xơ hòa tan trong nước có khả năng hấp thụ nước mạnh, tăng cảm giác no sau bữa ăn và giảm lượng thức ăn nạp vào nên mộc nhĩ là lựa chọn hoàn hảo cho việc kiểm soát cân nặng và giảm mỡ dư thừa trong cơ thể.
Chất xơ của mộc nhĩ đen có thể làm giảm cholesterol trong cơ thể và làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu. Thông qua một lượng lớn chất xơ hòa tan trong nước, nó có thể làm giảm cholesterol trong máu và ngăn ngừa huyết khối (cục máu đông).
Mộc nhĩ đen chứa nhiều loại polysaccharide, có thể ức chế sự kết tập tiểu cầu trên thành mạch máu, cải thiện độ đặc của máu, chống đông máu, cải thiện tình trạng thiếu máu, tránh đông máu và từ đó bảo vệ hệ tim mạch.
Chuyên gia Dương Hiền Anh cho biết, tuy mộc nhĩ đen có nhiều lợi ích và công dụng đối với sức khỏe nhưng một số người lại không thích hợp ăn mộc nhĩ đen:
Phụ nữ sẽ mất nhiều máu trong thời kỳ kinh nguyệt, mà theo y học cổ truyền Trung Quốc, mộc nhĩ đen có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, nên phụ nữ không nên ăn mộc nhĩ đen khi đang hành kinh, để tránh mất máu nhanh hơn và nhiều hơn.
Như đã đề cập ở trên, mộc nhĩ đen có công dụng chống đông máu, những người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc trước khi phẫu thuật hoặc phụ nữ đang mang thai không nên ăn quá nhiều mộc nhĩ đen.
Nhiều người trên mạng chia sẻ rằng, ăn mộc nhĩ đen có thể bổ sung collagen. Chuyên gia Dương Hiền Anh nói đây thực sự là một thông tin sai lầm vì mộc nhĩ đen có chứa polysaccharide (hay đường đa) mà cơ thể con người không tiêu hóa được và không phải là protein nên không chứa collagen. Sở dĩ mộc nhĩ đen có vị dai và giòn là vì nó rất giàu chất xơ hòa tan trong nước.
Hàm lượng dinh dưỡng của mộc nhĩ trắng (hay ngân nhĩ) không khác xa với mộc nhĩ đen, lợi ích và công dụng đối với sức khỏe của cả hai gần như giống nhau.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa mộc nhĩ trắng và mộc nhĩ đen là mộc nhĩ trắng có chứa chất gôm thực vật, có tác dụng làm đẹp. Ngoài ra, mộc nhĩ trắng còn có công dụng bổ huyết, dưỡng ẩm phổi, có công dụng cải thiện đối với những người bị ho lâu ngày không khỏi.
Chuyên gia Dương Hiền Anh cho biết, không giống như các loại rau ăn lá thông thường, mộc nhĩ đen hay nấm mèo không có hiện tượng bị héo hoặc vàng lá cho nên mọi người chỉ cần quan sát xem mộc nhĩ đen có ướt và dính tay hay không trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản, nếu thấy xuất hiện chất dính nhầy, nghĩa là nấm mèo đen đã bị hư, lúc này không nên bỏ vào tủ lạnh hoặc không nên ăn.
1. Chuẩn bị một chiếc dĩa phẳng, nông và lớn và đặt một tấm lưới lọc dầu lên trên.
2. Tách từng miếng mộc nhĩ đen ra, xếp từng miếng vô dĩa rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản, lật qua lật lại từng miếng mộc nhĩ đen mỗi lần mở tủ lạnh cho đến khi thấy chúng khô hoàn toàn (thường khoảng 7 ngày).
3. Cho mộc nhĩ đen đã khô vào túi kín hoặc hộp đựng thực phẩm sạch, đậy kín rồi tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh.
4. Trước khi nấu, ngâm mộc nhĩ đen khô vào nước cho chúng nở hoàn toàn.