Khoảng 2 năm nay, khi nhận lời cùng anh thực hiện cuốn sách “Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão”, tôi và anh thường xuyên gặp nhau. Anh kể lại cuộc đời của mình, còn tôi thì viết. Thực sự, có những câu chuyện nhiều tình tiết vượt quá sức ngạc nhiên. Có những chuyện cực kỳ hấp dẫn nhưng định thần kỹ, tôi quyết định không viết. Sự thật mang trên mình rất nhiều gương mặt. Có gương mặt đẹp, có gương mặt xấu, có gương mặt vừa đẹp vừa xấu. Chẳng sao. Tuy nhiên, nếu vì nói ra trở thành quá ác nghiệt với hạnh phúc của người khác thì cần phải cân nhắc thấu đáo.
Đào hoa tình trường
Để nhắc một câu về nghệ sĩ Thương Tín, tôi không ngần ngại khẳng định rằng anh là một người cực kỳ thật thà. Chuyện yêu đương với những người đàn bà giàu có, đa tài, xinh đẹp của Thương Tín đã có hàng trăm bài báo khai thác. Thương Tín là người đàn ông được đàn bà si mê. Nói như ngôn ngữ Facebook hiện giờ là “có số hưởng!” Mỗi lần gặp mặt, bạn bè của chúng tôi ngồi cà phê ăn sáng cứ thắc mắc sao các cô lại yêu Thương Tín mù quáng vậy nhỉ. Thương Tín chỉ cười cười, nói bâng quơ vài từ không ra phản đối, cũng chẳng đồng ý. Nhưng sau này, khi đã hiểu toàn bộ mạch đời của anh, tôi lại thấy những phụ nữ này họ đâu có yêu mù quáng! Họ yêu bằng chính cảm xúc của mình. Nếu yêu vì điều này, điều kia thì là chuyện hết sức bình thường rồi. Thói đời, đàn bà yêu đàn ông vì tiền; đàn ông mê đàn bà bởi nhan sắc. Với Thương Tín thì không có “ba-rem” ấy. Anh chẳng đẹp trai theo kiểu hào hoa phong nhã, cũng không giàu có gì. Nhiều thời gian đi đóng phim mấy tháng, tiền xài mỗi tháng vài lượng vàng nhưng cát-sê cuối cùng chỉ không quá 1-2 lượng vàng. Ăn tiêu chưa đủ nói chi đến tích trữ.
Thương Tín lại còn “lăng nhăng”, mới đang ly thân với bà xã Thủy Tiên đã sa vào cuộc tình với doanh nhân Trần Thị Nghĩa. Yêu Nghĩa chưa xong lại qua ở với diễn viên kịch nói Phương Quỳnh. Tới khi Quỳnh buồn do đi nhảy đầm “chui” mà sẩy thai ở tháng thứ 6, sang Mỹ sinh sống, Thương Tín lại quay trở về sống cùng doanh nhân Nghĩa. Chừng đó tật, vậy mà phụ nữ vẫn tự nguyện tới yêu anh, lại không có ai than vãn trách cứ gì, chứng tỏ nam diễn viên quá tài.
Nhưng rồi trong tâm thế của người chiến thắng ái tình, đến giờ có thời gian nhìn lại và chiêm nghiệm, Thương Tín thừa nhận tình yêu của anh đối với Phương Quỳnh là sự rung động thật sự. Tới khi cùng Nghĩa và hai đứa con riêng của cô đi vượt biên tại bãi Vũng Tàu, chỉ vì lên chiếc ghe sau mà không kịp ra tàu lớn, chứng kiến tận mắt sự chia ly vĩnh viễn bởi chiếc tàu ấy sau đó va phải đá ngầm tan xác, nam nghệ sĩ này mới thấu cảm được thế nào là tình yêu. Nỗi sợ hãi biển sau đó ngấm vào Thương Tín một cách có ý thức rồi miên man vô thức, khiến anh dằn vặt vì cách đối xử ít trân trọng đối với người phụ nữ đã hết lòng thương yêu mình. Khối nặng này đeo đuổi anh suốt đời và Thương Tín coi đó là sự trả giá.
Để lại đời cái tên
Thương Tín quê gốc Phú Yên nhưng gia đình chuyển nhà nhiều lần ra Thừa Thiên - Huế, Quy Nhơn (Bình Định), lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rồi về Phan Rang (Ninh Thuận). Cha anh từng làm công việc phụ trách y tế toàn miền Nam, thời chế độ Sài Gòn nên cả nhà phải di chuyển theo các chuyến công cán của ông. Má của Thương Tín là người có duyên với buôn bán. Bà có vựa gạo lớn tại Phan Rang, gầy dựng kinh tế gia đình vững chắc. Nói vậy để biết rằng Thương Tín vốn xuất thân là công tử, chứ không phải nghèo khó gì. Nhưng do thích phiêu lưu khám phá đã khiến năm 12 tuổi, vào dịp nghỉ hè, Thương Tín ra Nha Trang (Khánh Hòa) chơi. Một sự cố khủng khiếp xảy ra với Thương Tín bắt nguồn từ bãi biển xinh đẹp của miền Trung này đã như là những vết chém không thương tiếc vào tâm hồn trong trắng, đẹp đẽ của lứa tuổi bắt đầu vào đời. Thương Tín bắt đầu cuộc sống lưu lạc, lên Buôn Ma Thuột tham gia Đoàn Cải lương Tân Dạ Lý với vai trò người kéo màn, làm mọi công việc vặt. Cha anh đã phải tới tận nơi mang con về, bắt đi học lại. Thấy con mê say nghề diễn, gia đình quyết định gửi anh cho người thân là đạo diễn Lam Sơn đưa lên Sài Gòn chính thức vào nhập học Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn. Chính xác là số phận đưa đẩy, chọn Thương Tín vào nghiệp diễn, chứ không phải anh được lựa nghề.
Khán giả nghĩ đến Thương Tín là nghĩ ngay đến tất cả vai diễn trong nhiều bộ phim kinh điển của Việt Nam: “Ván bài lật ngửa”, “Tình khúc 68”, “Bài ca không quên”, “SBC”, “Biệt động Sài Gòn”… Nhưng một mảng diễn cực kỳ quan trọng của Thương Tín đối với sự nghiệp của anh là kịch nói thì rất ít người để ý. Thương Tín đã từng sở hữu 6 huy chương vàng trong các hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Anh tham gia kép chánh trong các đoàn kịch nổi danh trước đây của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, nghệ sĩ Kim Cương. Những đoàn kịch này đã “làm mưa làm gió” suốt các tỉnh miền Trung, miền Nam những năm thập niên 1980. Sau này, Thương Tín còn kết hợp với Hồng Vân đi diễn kịch nhiều tháng trời tại miền Bắc và Bắc Trung bộ. Lớp khán giả ái mộ anh trong kịch nói không thua kém gì các “fan” điện ảnh.
Nhưng Thương Tín không có danh hiệu nghệ sĩ gì được tôn vinh một cách chính thống và bài bản. Có lần, cách nay chừng hơn 10 năm, chẳng biết vì điều gì “bức xúc” mà anh điện thoại ra Hà Nội để hỏi về tiêu chí phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Người ta trả lời rằng cần các giải thưởng thế này, giải thưởng thế khác. Thương Tín nói tôi có dư rất nhiều rồi, giờ cần làm thế nào nữa. Bên kia cúp máy không trả lời gì. Ở thời điểm đó, Thương Tín chưa bị dính vào xì-căng-đan về tội gá bạc ở quán cà phê. “Mà thôi, được bao khán giả quý mến, bạn bè thương yêu cũng đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi, còn gì suy tính nữa!” - anh nói.
Còn sống, còn cống hiến
Vào dịp giữa năm nay, Thương Tín nhắn tin giục tôi hoàn tất sớm bản thảo về cuốn hồi ký cuộc đời của anh. Anh nói mình giờ đang đi trên một chuyến bay mà không có vé khứ hồi. Gấp lên một chút vì đời ai mà biết được chữ ngờ! Vội vàng hẹn gặp Thương Tín, tưởng anh có vấn đề gì đó về sức khỏe và tâm lý nhưng anh lại trả lời rằng đang kẹt đi đóng phim, vai chính trong bộ phim hài điện ảnh sẽ ra mắt vào dịp cuối năm nay và còn vài phim khác nữa, đan xen quay ở nhiều tỉnh. “Chỉ là còn sống thì còn cống hiến thôi mà” - Thương Tín trấn an.
Thương Tín giờ không còn xe hơi để chạy như trước đây, thay bằng chiếc xe tay ga đã cũ. Anh cũng không có nhà để ở. Thuê một căn phòng khá xa tại quận 12,
TP HCM, anh đưa bạn gái Kim Chi và cô con gái Thanh Thảo, 3 tuổi, từ Ninh Thuận vào sống chung. Đóng trên 200 bộ phim nhựa, đã từng có cuộc sống cực kỳ sung túc, “sở hữu” nhiều người đẹp nổi tiếng tại Sài Gòn nhưng Thương Tín chỉ có một người vợ đã chính thức ly hôn sau vài năm chung sống. Thương Tín cũng chưa từng qua Mỹ sinh sống bao giờ như trong nhiều bài báo đã đề cập. Cuộc đời của Thương Tín quá nhiều sự kiện, khiến người ta dễ dàng phủ thêm các sự kiện không có thật khác. Với anh: “Cũng kệ, đâu nhằm nhò gì!”.
Thương Tín mấy năm trước chán nản từ chối nhiều lời mời đi đóng phim nhưng hiện nay đang trở lại điện ảnh để kiếm tiền nuôi con gái. Anh hết sạch tiền thật rồi, cũng thỉnh thoảng phải đi vay mượn bạn bè lúc túng bấn. Tuy nhiên, khi biết có nhiều người hâm mộ muốn qua một tờ báo để giúp anh chút ít tiền sinh sống, Thương Tín thẳng thắn từ chối. Anh nói: “Khi tôi dư dả vật chất, có cho ai đâu, sao giờ nhận tiền của người ta được. Mọi việc xảy tới do mình tự gây ra thì phải tự chịu trách nhiệm thôi”.